Thông tin giá bán lẻ điện sắp tăng bình quân hơn 8,3% ngay trong tháng 3 khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng; nhất là mới đó, xăng đã có phiên tăng giá khá mạnh. Từ con tôm đến tấn thép đều sẽ tăng.
10 năm 9 lần tăng giá: Trong 10 năm qua, giá điện đã điều chỉnh 9 lần, mức cao nhất 15,28% và thấp nhất 5%. Theo Bộ Công Thương, phương án điều chỉnh đã được cơ quan này tính toán để đảm bảo tác động là ít nhất. Ước tính, việc tăng giá điện thêm 8,36% vào cuối tháng 3 sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ 0,26 – 0,31%, làm giảm GDP 0,22 – 0,25% và khiến chỉ số sản xuất (PPI) tăng 0,15 – 0,19%.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, bình quân để sản xuất ra 1 tấn thép các doanh nghiệp (DN) phải tiêu tốn khoảng 600 KWh điện, chiếm khoảng 9% giá thành, trong khi lợi nhuận ngành này chỉ 5 – 6%. Thời gian qua, nhiều DN đã ứng dụng khoa học – kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng như lò điện hồ quang, nhiệt độ thải khí nóng được tận dụng để sấy thép phế khi đưa vào lò nung… nhưng chi phí cho điện vẫn khá lớn. Ước tính sơ bộ của Hiệp hội Thép VN cho thấy, nếu giá điện tăng hơn 8%, giá thành sản xuất thép tăng thêm khoảng 100.000 đồng/tấn. Các DN sẽ phải điều chỉnh giá bán ra, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu toàn bộ chi phí này.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty SaigonFood, thì nói thẳng điện tăng thì tất cả DN sản xuất đều bị ảnh hưởng, không thể loại trừ một đơn vị nào. Đặc biệt với ngành hàng đông lạnh chi phí này khá lớn. Bình quân mỗi tháng trong năm 2018, SaigonFood phải trả 2,6 tỉ đồng tiền điện. Nếu giá điện tăng thêm 8,3% thì mỗi tháng công ty này phải trả thêm gần 220 triệu đồng, tương ứng tăng 2,6 tỉ đồng/năm. Nhưng chưa hết, bà Lâm lo ngại ngoài chi phí điện tại nhà máy thì tất cả nguyên phụ liệu như bao bì cũng sẽ được điều chỉnh đi lên, kéo theo chi phí sản xuất. Khi đó, chắc chắn SaigonFood sẽ phải cân nhắc tăng giá bán ra để bù đắp chi phí.
Cũng tâm trạng chung trước việc điện tăng giá, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex, phân tích: Chi phí điện trong ngành thủy sản và chế biến thủy sản rất lớn do phải cấp đông và lưu trữ kho từ nguyên liệu đến thành phẩm. Chi phí điện của ngành này chiếm khoảng 10% chi phí sản xuất. Mỗi nhà máy chế biến thủy sản tùy quy mô mỗi tháng phải đóng vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng tiền điện. Nếu giá điện tăng thêm 8,3%, mỗi nhà máy tối thiểu phải chi thêm vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt theo ông Kịch, ngoài chi phí trực tiếp cho giá điện, các DN còn gặp khó khăn nhiều hơn khi hàng loạt sản phẩm nguyên phụ liệu đầu vào cũng sẽ có đợt tăng giá theo. Như vậy chi phí sản xuất sẽ có một đợt tăng rất nặng.
“Hiệu ứng tăng giá dây chuyền theo sau mỗi đợt giá điện tăng là điều luôn xảy ra và điều này luôn luôn gây khó cho DN sản xuất. Mỗi nhà máy có hàng trăm nguyên phụ liệu khác nhau nên hiện nay chưa tính hết mức độ ảnh hưởng cụ thể ra sao. Ví dụ các loại bao bì khi sản xuất cũng cần điện nhiều nên chắc sẽ tăng giá bán. Chưa kể nhiều loại chi phí khác như lãi vay, chi phí logistics… của VN cao hơn nhiều nước trong khi DN phải cạnh tranh với hàng ngàn DN khác thì không dễ nâng giá bán, nhất là xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Kịch nói.
Người tiêu dùng gánh
Mặc dù nhiều DN chưa cho biết lộ trình tăng giá bán ra nhưng hầu hết thừa nhận điều này sẽ không tránh khỏi. Bà Lê Thị Thanh Lâm thở dài, tuần trước giá xăng cũng đã tăng và từ đầu năm nay, lương tối thiểu vùng đã được tăng thêm bình quân 5,3% so với năm 2018… Cộng thêm giá điện sắp điều chỉnh lên, DN không chỉ bị tác động trực tiếp mà sẽ cộng thêm cả phần gián tiếp khi nhiều ngành hàng khác cũng phải thay đổi giá bán sản phẩm. “Chắc chắn các DN đều phải tăng giá bán. Tuy nhiên thời điểm nào tăng, tăng mức bao nhiêu thì chúng tôi đang tính toán, nhưng chắc là sẽ tăng trong tháng 4. Mức cụ thể phải được cân nhắc kỹ tùy dòng sản phẩm để ít ảnh hưởng nhất đến người tiêu dùng”, bà Lâm chia sẻ.
Chi phí năng lượng trung bình chiếm từ 25 – 30% giá thành sản xuất giấy nên theo ông Đặng Văn Sơn, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, giá điện tăng thêm thì chắc chắn chi phí năng lượng của DN cũng cao hơn. Ví dụ trong 100 đồng giá thành sản xuất thì chi phí điện chiếm khoảng 18 đồng. Khi giá điện cộng thêm 8,3% thì DN sẽ cộng thêm 1,5 đồng. Cũng như các ngành khác, DN giấy cũng sẽ chịu phần chi phí gián tiếp từ một số nguyên phụ liệu kèm theo. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng hiện nay đang là mùa thấp điểm của ngành giấy nên các DN trong hiệp hội chưa tính đến việc tăng giá bán ra. Do đó bản thân DN sẽ phải gồng mình và tìm nhiều cách để tiết giảm chi phí hơn nữa nhưng việc này sẽ không thể kéo dài quá lâu mà DN sẽ phải tính toán chuyển phần gia tăng đó vào giá bán và người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải gánh chịu.
Ông Nguyễn Văn Kịch bày tỏ, các DN vẫn chấp nhận lộ trình tăng giá điện để hướng đến một thị trường điện cạnh tranh như nhiều nước. Tuy nhiên hiện nay VN vẫn chỉ có độc quyền tập đoàn điện lực nên dù tăng giá “sốc” thì DN cũng phải chấp nhận mà không có sự lựa chọn khác. Để công bằng hơn, Chính phủ cần phải xem xét lại về những chi phí khác của ngành điện đã tính đủ và hợp lý vào giá thành hay chưa? Hoặc cần xem xét lại hoạt động quản lý để giảm bớt thất thoát, gia tăng năng suất của ngành điện.
Nguồn copy : Hiệp Hội Giấy Việt Nam
link : http://vppa.vn/dien-tang-gia-cung-rap-rinh-tang/